Đây là một quyết định khá bất ngờ bởi trước đó, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng đề nghị phê chuẩn hàng loạt ưu đãi cho dự án của TISCO.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương: thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo xem xét, cân nhắc phương án bán dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án.
Trong đó, Bộ Công thương phải làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/07/2016.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty là Dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2007.
Do nhiều nguyên nhân, dự án bị chậm tiến độ dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, sau đó lại rơi vào trạng thái dừng thi công từ quý 4/2012 do chưa thu xếp được vốn. Giá trị giải ngân của dự án tính đến hết quý 3/2015 là hơn 4.500 tỷ đồng.
Sau một thời gian dài đàm phán với Tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC), TISCO đã báo cáo Thủ tướng về việc chấp nhận bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc, đồng thời đưa ra với hàng loạt kiến nghị ưu đãi về thuế, tiền trả lãi vay… để có tiền tiếp tục triển khai dự án.
Cụ thể, TISCO khẳng định tổng vốn đầu tư của dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên sẽ lên tới 9.031 tỷ đồng - tăng 927 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư cũ.
Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc cũng, dự án đã tăng tổng vốn từ 3.843 tỷ lên 8.014 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công thương công nhận với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 9031 tỷ thì dự án cơ bản không còn hiệu quả, cần tới 23 năm mới thu hồi xong vốn.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ chấp nhận đề xuất ưu đãi của TISCO, cấp thêm một loạt ưu đãi “khủng”, trong đó có những ưu đãi mà hiếm doanh nghiệp tư nhân nào dám “mơ”: yêu cầu Ngân hàng Phát triển VN (VDB) khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay thời gian dự án dừng thi công (khoảng 386 tỷ). Tiền vay từ ngân hàng này cũng chỉ tính lãi 5,5%/năm.
Với VietinBank, TISCO cũng đề nghị chính phủ chỉ đạo khoanh nợ gốc, miễn tối thiểu 50% lãi vay thời gian dự án ngừng thi công, cho TISCO đến 2019 mới bắt đầu trả nợ và đến 2034 mới trả xong…
Với khoản thuế VAT nhà nước đã hoàn lại cho TISCO khoảng 330 tỷ, đề nghị không đưa khoản này vào tổng mức đầu tư dự án.
Đặc biệt, TISCO kiến nghị miễn luôn thuế nhà thầu cho nhà thầu Trung Quốc (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 2%, VAT 5% - khoảng 133 tỷ)…
Liên quan đến dự án này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng phải “chịu đau” để cắt giảm, dừng rót thêm vốn. Cho dù số tiền đầu tư đã giải ngân vào dự án đó có lớn cỡ nào hãy xem như một khoản lỗ, giờ phải cắt lỗ, đừng để đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi về sau lại gánh thêm lỗ. Bán được cho tư nhân đầu tư tiếp sẽ là phương án tốt nhất
Kết cấu thép VSTEEL