Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 11/2015 của các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa đạt xấp xỉ 600.000 tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính khiến lượng thép vẫn duy trì được mức tiêu thụ là do thị trường bất động sản trong nước đang khởi sắc trở lại, cộng với nhu cầu xây dựng dân dụng tăng cao vào dịp cuối năm.
Tuy vậy các doanh nghiệp ngành thép vẫn đang phải đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đội lốt hợp kim tràn vào thị trường trong nước: như phôi Trung Quốc có hàm lượng Crom với giá rẻ đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam giao dịch khoảng 255-258 USD/tấn, giảm 45-50% so với đầu năm 2014.
Hiện lượng thép cuộn xây dựng xuất xứ Trung Quốc xuất qua Việt Nam ào ạt, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái (dự kiến đến cuối năm nay đạt khoảng 700.000 tấn so với chỉ 300.000 tấn năm 2014). “Đó là một khó khăn cho các nhà sản xuất thép ở Việt Nam. Trong khi các nhà sản xuất ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thì lại đi nhập khẩu”, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Việt cho biết.
Theo ông Thái, Trung Quốc xuất qua Việt Nam nhiều loại sản phẩm thép khác nhau, nhưng riêng thép cuộn xây dựng, đã đến lúc cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Hải Quan, Bộ Tài chính) cần có biện pháp để xử lý.
Cụ thể, loại thép cuộn xây dựng Bo chứa hợp kim vi lượng (0,0008% Bo) của Trung Quốc khai gian để nhập khẩu vào Việt Nam hưởng ưu đãi thuế 0%. Ông Thái cho rằng, cần có biện pháp với sản phẩm này, vì họ (nhà xuất khẩu thép Trung Quốc) đã dùng chiêu núp bóng, gian lận thương mại để được hưởng thuế suất 0%.
“Thép cuộn mà bỏ vào một ít hợp kim rồi sử dụng vào xây dựng như vậy là gian lận thương mại rồi”, ông Thái nói và cho rằng, điều này khiến lượng thép Trung Quốc bán ra tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng (hình thức bán phá giá), khiến cho DN sản xuất thép trong nước bị hạn chế phát triển, nhất là khi công suất của DN thép trong nước gấp đôi tiêu thụ hiện nay.
Được biết, những năm trước, thép cuộn xây dựng của Trung Quốc không xuất hiện nhiều ở thị trường Việt Nam như năm nay. Thực tế này đang đặt ra nghi vấn thép Trung Quốc đang phá giá thị trường tại Việt Nam.
Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa sản lượng thép hàng năm của thế giới, lên đến 1,6 tỷ tấn. Các nhà phân tích của Ngân hàng UBS cho rằng, năm nay, Trung Quốc sẽ sản xuất thừa 441 tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Với giá cả sụt giảm, 101 DN thép lớn nhất của Trung Quốc lỗ 11 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, theo dữ liệu của HSBC, ngành thép của Trung Quốc đã giảm công suất khoảng 50 triệu tấn trong năm nay, nhưng mức giảm như vậy chỉ tương đương 4% tổng công suất 1,14 tỷ tấn của ngành thép nước này. Ngân hàng này ước tính ngành thép Trung Quốc cần cắt giảm thêm 120-160 triệu tấn nữa để đảm bảo tỷ lệ hoạt động 80% công suất.
Hiện tại, DN thép của Trung Quốc phải tìm mọi cách xuất khẩu số thép dư thừa khổng lồ này, thậm chí chấp nhận thua lỗ. Trong 11 tháng vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc xuất khẩu trên 100 triệu tấn thép, cao nhất thế giới. Xu hướng này khiến các nhà quan sát cảnh báo về một cơn “sóng thần thép” Trung Quốc tràn ngập thị trường các nước.
Các nhà vận động hành lang của ngành công nghiệp thép của Mỹ đã bắt đầu kêu gọi hành động để ngăn chặn thép bán phá giá của Trung Quốc tràn vào. Ủy ban châu Âu đang điều tra việc Trung Quốc và Nga bán phá giá thép, điều này khiến cho nhiều nhà sản xuất kim loại tại châu Âu có nguy cơ phá sản. Trong tháng 6 vừa qua, Hiệp hội sản xuất thép tại EU và Mỹ đã đưa ra tuyên bố kế hoạch hành động ngăn chặn đối với sự đổ bộ ồ ạt ngành kim loại của Trung Quốc.
Trở lại với câu chuyện nhập khẩu thép Trung Quốc vào Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN làm cơ sở để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với nhà sản xuất và nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất và kinh doanh thép tại thị trường trong nước một cách lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thép Trung Quốc pha trộn hợp kim nêu trên đã “lách” được qua quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, hơn lúc nào hết, xây dựng hàng rào kỹ thuật với mặt hàng thép cuộn xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc là quá cần thiết trong thời điểm này. Bởi thực tế chưa có nước nào để xảy ra tình trạng lượng thép nhập khẩu tăng gấp đôi trong khi “công suất của DN thép trong nước gấp đôi tiêu thụ hiện nay”.
Kết cấu thép VSTEEL. Theo thời báo ngân hàng