Xếp sau cả Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về thứ tự ưu tiên nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại thể hiện tầm ảnh hưởng tại thị trường nội địa. Đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Sản xuất và kinh doanh thép là ngành kinh doanh cốt lõi, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đa ngành này. HPG đầu tư công nghệ lò cao sử dụng quặng sắt làm nguyên liệu, khác với công nghệ lò hồ quang điện luyện quặng từ thép phế.
Năm 2013 được xem là bước ngoặt đối với HPG khi mảng thép mang lại khoản lợi nhuận sau thuế 1.666 tỉ đồng (so với 730 tỉ đồng một năm trước đó). Sự bứt phá của HPG khiến cổ đông mãn nguyện trong bối cảnh ngành thép vật lộn với khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp trong ngành báo lỗ, hoặc lời không đáng kể, ngoại trừ Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
HPG cũng chính là doanh nghiệp gửi công văn lên Chính phủ, Bộ Công thương và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) “đề nghị cấm xuất khẩu quặng sắt để dành nguyên liệu cho các dự án lò cao trong nước”. Ngày 3/6/2014, 13 doanh nghiệp (sử dụng công nghệ lò hồ quang) thành viên VSA đồng loạt ký công văn kiến nghị khẩn thiết gửi VSA về việc “xem xét lại chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt” bởi từ khi có chủ trương, giá quặng sắt trong nước từ 2.200 đồng/kg giảm gần một nửa so với giá thế giới, còn 1.200 đồng/kg.
Nhóm 13 cho rằng giá nguyên liệu rẻ gần một nửa so với giá thế giới giúp HPG lũng đoạn thị trường, tự làm giá, tự xuống giá khiến các doanh nghiệp lao đao. Lời kêu cứu của nhóm 13 rơi vào quên lãng. HPG tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 22% thị phần tính đến cuối quý II/2015.
Với ngành thép trong nước, số ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò cao có lợi thế cạnh tranh đáng kể nhờ mua quặng giá thấp. Theo Bộ Công thương, công suất mỏ quặng cả nước (chưa tính Thạch Khê và Quý Sa) là 4,5 triệu tấn/năm, vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước. Có thời điểm cả nước tồn kho 3 triệu tấn quặng sắt (tháng 7/2013).
Thép là ngành sản xuất có lợi thế kinh tế theo quy mô. Với công nghệ lò cao, dung tích lò càng lớn, càng tiết kiệm. Doanh nghiệp sở hữu lò cao lớn nhất hiện nay là Công ty TNHH Luyện kim và Khoáng sản Việt Trung (550 khối). Liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) ra lò mẻ phôi thép đầu tiên cuối tháng 5/2014.
Kế đến là HPG với hai lò cao công suất 350 khối và 450 khối. Dự kiến doanh nghiệp này sẽ vận hành lò cao 700 khối vào năm 2016. Nhằm hạn chế ô nhiễm, Trung Quốc cách nay một thập niên chủ trương không phát triển những lò cao có dung tích dưới 1.000 khối và lò luyện thép dưới 120 tấn/mẻ ở khu vực nội địa. Còn ở khu vực duyên hải thì chỉ chấp nhận lò cao từ 3.000 khối và lò luyện thép từ 200 tấn/mẻ.
Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên chủ tịch VSA, việc xử lý chất thải chỉ hiệu quả với những lò cao dung tích trên 3.000 khối. Điều đáng lưu tâm là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ lò cao từ Trung Quốc. Thế nhưng nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này lại nhập khẩu công nghệ lò cao từ Nhật Bản, theo ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch VSA. Nhập khẩu công nghệ thải loại từ đối thủ, Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào?
Theo Diep Tuong – ndh.vn
Kết cấu thép VSTEEL