Theo phát hiện ban đầu của Bộ Thương mại Mỹ, 5 nhà xuất khẩu thép của Trung Quốc gồm Angang Group Hong Kong Co. và Baoshan Iron & Steel Co. đã được nhận trợ cấp lên tới 236%.
Trên cơ sở đó, Hải quan Mỹ sẽ được hướng dẫn để yêu cầu các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc liên quan đặt cọc tiền mặt dựa trên mức trợ cấp.
Báo cáo trên của Bộ Thương mại Mỹ là quyết định đầu tiên được đưa ra trong ba loạt vụ kiện thương mại mà các nhà sản xuất thép Mỹ nhằm vào thép Trung Quốc năm nay.
Các vụ kiện diễn ra trong bối cảnh tình trạng dư thừa nguồn cung thép trên toàn cầu, chủ yếu là thép Trung Quốc, đẩy giá thép xuống mức thấp nhất trong 9 năm. Vì lý do này, các nhà máy thép tại Mỹ đã cho ngừng hoạt động 1/3 công suất.
Nếu được thực thi, mức thuế cao ngất ngưởng đánh vào thép Trung Quốc có thể dẫn tới chấm dứt nhập khẩu một số loại thép từ nước này vào Mỹ, đồng thời giúp giá thép tại Mỹ hồi phục.
“Các vụ kiện thương mại sẽ hạn chế lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, nguồn cung sẽ được thắt lại”, bà Timna Tanners, nhà phân tích thuộc ngân hàng Bank of America, nhận định.
5 công ty thép Trung Quốc bị Mỹ cho là nhận trợ cấp 236% không tham gia vào quá trình điều tra. Một công ty khác là Yieh Phui (China) Technomaterial Co., bị cho là nhận mức trợ cấp 26,3%.
Hôm 3/6, 6 nhà sản xuất thép của Mỹ đồng loạt nộp đơn kiện thép chống ăn mòn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Ấn Độ, và Đài Loan. Ngoài thép Trung Quốc, thép từ Hàn Quốc, Italy và Ấn Độ bị cơ quan chức năng Mỹ xác định được hưởng trợ cấp từ 1,4%-38,4%. Thép Đài Loan nhận trợ cấp ở mức tối thiểu.
Nhập khẩu thép chống ăn mòn từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên vào Mỹ tăng 84% trong năm 2014. Trong khi đó, nhập khẩu các sản phẩm thép nói chung vào Mỹ tăng 38%, đạt mức 40,2 triệu tấn.
Theo DiepVu vneconomy.vn
Kết cấu thép VSTEEL