Các doanh nghiệp thép đang phải oằn mình tiếp tục đối phó với lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và nếu Bộ Công Thương không sớm có giải pháp tự vệ tạm thời, hành động mạnh mẽ hơn đối với phôi thép và một số sản phẩm thép nhập khẩu. Nhiều DN thép sẽ lâm vào cảnh phá sản.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tháng 1/2016, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép không có nhiều biến động, sản lượng sắt thép thô ước đạt 364.500 tấn, giảm 7,1%; thép cán ước đạt 393.200 tấn, tăng 16,4%; thép thanh, thép góc ước đạt 385.500 tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép NK các loại tháng 1/2016 ước tăng 33,9% so với tháng 1/2015.
Trong số thép nhập khẩu tháng 1/2016, thép Trung Quốc vẫn tiếp tục là mối lo hàng đầu của các DN thép trong nước. Một trong những nguyên nhân là do kinh tế gặp khó khăn nên nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm mạnh, các DN thép nước này buộc phải tìm mọi cách để xuất khẩu. Việt Nam được xem là thị trường béo bở của các DN thép Trung Quốc. Các DN thép Trung Quốc đang tìm mọi cách để đưa thép vào Việt Nam cho dù giá cả có thể thấp hơn cả mức giá sản xuất. Đặc biệt, quy định của Hiệp định FTA ASEAN – Trung Quốc, tới 2018 thuế nhập khẩu hợp kim về 0% sẽ là một lợi thế lớn cho thép giá thấp của Trung Quốc. Bởi vậy mà phần lớn các DN ngành thép Việt Nam đang như ngồi trên đống lửa, ngay bản thân lượng thép trong nước tự sản xuất đã dư thừa so với mức tiêu thụ nội địa thì nay họ lại phải đương đầu với lượng thép khổng lồ từ Trung Quốc “đổ” vào Việt Nam.
Vì vậy, mà nhiều DN thép trong nước đã phải thúc giục Bộ Công Thương với chức năng của mình sớm áp dụng các biện pháp tự vệ nhằm vãn hồi tình trạng ngành thép hiện nay, ngăn chặn để thép Trung Quốc không vào Việt Nam như hiện nay. Vào trung tuần tháng 12/2015, trước sự thúc dục của các DN thép, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi nhập khẩu. Đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công thương đang thực hiện đúng mọi quy trình, thủ tục.
Ngành thép có thực sự muốn điều tra?
Câu chuyện sẽ không dừng lại ở đây nếu như không có chuyện một số DN thép, đặc biệt là các DN làm cán thép đã không đồng ý áp dụng các biện pháp tự vệ với lý do việc áp dụng có thể ngăn chặn được thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng sẽ làm giá thành thép tăng mạnh.
Từ đây, ngay trong nội bộ các DN ngành thép đã có hai luồng ý kiện trái chiều, một bên muốn áp dụng tự vệ còn bên kia thì không muốn. Sở dĩ các DN làm cán thép không muốn áp dụng biện pháp tự về vì họ chỉ làm cán thép chứ không sản xuất thép từ đầu nguồn, tức họ không làm phôi hoặc đã dừng sản xuất phôi để chuyển sang nhập khẩu.
Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), việc áp dụng các biện pháp tự vệ sẽ khiến giá thành nhập khẩu phôi cao lên, khi đó các DN này sẽ không nhập được phôi giá rẻ nữa. Vô hình chung điều này chạm vào lợi ích của họ nên việc họ phản đối cũng là lẽ thường tình.
Theo tính toán của các chuyên gia, năm 2015 mỗi tấn phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc là 320 USD, trừ các chi phí mức giá này vẫn rẻ hơn giá sản xuất phôi thép trong nước khoảng 2 triệu đồng/tấn. Đây chính là lý do vì sao các DN nhập phôi thép đã phản đối việc áp dụng các biện pháp tự vệ. Thực tế thì không chỉ ở VN mà ở nhiều nước trên thế giới, khi một mặt hàng trong nước bị hàng nhập khẩu tràn vào có nguy cơ gây khó cho hàng nội địa, biện pháp tự vệ sẽ được đưa ra nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước, đó là lẽ thường tình. Khi đó, sẽ không tránh khỏi động chạm tới quyền lợi của DN này, DN kia và việc họ lên tiếng phản đối cũng là điều dễ hiểu. Điều quan trọng là biện pháp đó đưa ra được phần lớn các DN ngành đó ủng hộ và vì quyền lợi của quốc gia mới là điều quan trọng. Ngay cả bản thân ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương khi trả lời báo chí về vấn đề này cũng thừa nhận rằng sẽ khó tránh khỏi xung đột lợi ích. “Trong vụ điều tra với thép lần này, chắc chắn có bên được hưởng lợi là các nhà sản xuất thép và có bên thiệt hại là nhà nhập khẩu”, ông Hải khẳng định.
Bộ Công thương cũng khuyến cáo, các DN thép trong nước cần liên kết chặt chẽ để gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các khó khăn do sức ép cạnh tranh ngày càng tăng.
Trong số thép nhập khẩu tháng 1/2016, thép Trung Quốc vẫn tiếp tục là mối lo hàng đầu của các DN thép trong nước.
Thực ra, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, việc các mặt hàng XK, NK gặp phải những vấn đề hàng nhập khẩu lấn lướt hàng hóa nội địa sẽ là chuyện bình thường. Câu chuyện tương tự của ngành thép tới đây sẽ có thể xảy ra với nhiều mặt hàng khác của Việt Nam và khi đó việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng sẽ là chuyện bình thường. Nhưng điều đáng nói là, khi thuế giảm nhờ hội nhập, nhiều DN trong nước cũng như FDI sẽ không sản xuất nữa mà chủ yếu đi nhập khẩu rồi bán, hoặc chỉ gia công chút ít để kiếm lợi. Xét về bài toán kinh doanh thì có lẽ cũng không trách được họ nhưng xét về mặt tổng thể phát triển của ngành đó, của lợi ích quốc gia thì lại là điều không nên làm. Bởi khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ không chủ động trong sản xuất, hoàn toàn phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài. Đây là điều vô cùng nguy hiểm và cần phải điều chỉnh sớm trước khi quá muộn.
Trở lại với câu chuyện ngành thép, rõ ràng việc các DN ngành thép trong nước sản xuất từ đầu khâu đầu đến khâu cuối tức từ khai khoáng đến luyện phôi đang thúc giục Bộ Công Thương đẩy nhanh tiễn độ áp dụng các biện pháp tự vệ là điều cần thiết vì lợi ích lâu dài của ngành thép. Đặc biệt, việc duy trì sản xuất thép trong nước không những tránh lệ thuộc vào phôi nhập khẩu, giúp ngành thép phát triển bền vững mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, Bộ Công Thương cần sớm đẩy nhanh tiến độ để sớm áp dụng các biện pháp tự vệ nhằm gỡ khó cho ngành thép Việt.
Kết cấu thép VSTEEL theo Diễn đàn doanh nghiệp